Lắp dựng giàn giáo công cụ đơn giản hơn nhiều so với lắp dựng giàn giáo lắp ghép từ cấu kiện rời, chưa định hình. Với giàn giáo lắp ghép từ cấu kiện rời , không những cần phải chú ý trong quá trình lắp dựng mà ngay cả trong quá trình đổ betong vẫn phải theo dõi thường xuyên. Ngoài ra, phải có thợ bậc cao để điều khiển công việc.
Khi lắp dựng giàn giáo công cụ, cần nghiên cứu sử dụng sao cho phù hợp với chủng loại kết cấu. Cần nắm được các thao tác để lắp dựng ổn định cho hệ giàn giáo. Làm xong đến đâu phải kiểm tra chắc chắn đến đó rồi mới tiếp tục lắp ghép phần kế tiếp. Việc lắp dựng giàn giáo phải tuân theo các yêu cầu sau:
– Vận chuyển các bộ phận:
+ Vận chuyển, trực lên, hạ xuống phải nhẹ nhàng, tránh va chạm, xô đẩy làm cho giàn giáo bị biến dạng
+ Vận chuyển hay lấp dựng giàn giáo trên khối lượng betong đã đổ xong phải được các bộ kĩ thuật phụ trách công trường đồng ý.
– Trụ chống của giàn giáo phải tựa trên nền vững chắc, không trượt. Diện tích mặt cắt ngang của trụ chống (hay tấm kê) phải đủ rộng khi đổ betong, kết cấu chống đỡ không bị lún quá trị số cho phép.
– Với những bộ phận chủ yếu của dàn giáo (như cột, dầm chính..), nên hạn chế dùng các thanh nối. Các mối nối không được nằm trên cùng một mặt cắt ngang và nên bố trí ở chỗ chịu lực nhỏ.
Trên đầu cột, không được đặt trực tiếp mối nối đhai dầm mà phải dùng gỗ đệm hay xà ngang để chống đỡ. Với cột cao trên 3m, nếu ghép bởi những thanh gỗ nối đầu, ở chỗ nối phải dùng thanh nẹp và bắt chặt bằng bulong. Với cột dưới 3m, nếu mối nối đầu có thể dùng đinh đỉa và gỗ ốp hai bên chỗ nối. Tổng diện tích mặt cắt ngang của hai thanh nẹp phải lớn hơn diện tích mặt cắt ngang của thanh được nối.
– Phương pháp lắp ghép giàn giáo phải đảm bảo nguyên tắc đơn giản và dễ tháo; bộ phận nào cần tháo trước không bị phụ thuộc vào bộ phận phải tháo sau.
– Giàn giáo, nếu có đều kiện, nên ghép thành mảng vững chắc rồi mới dựng lên.
– Khi giàn giáo đã dựng xong, cần phải kiểm tra và nghiệm thu, dựa theo:
+ Độ chính xác của các bộ phận đặt sẵn
+ Độ vững chắc của giàn giáo (chú ý các chỗ nối, chỗ tựa)
– Kiểm tra độ chính xác ở những bộ phận của ván khuôn phải tiến hành bằng máy trắc đạt hay bằng những dụng cụ khác như dây dọi, thước…Khi kiểm tra, phải có những phương tiện cần thiết để có thể kết luận được về độ chính xác của ván khuôn theo hình dáng, kích thước, vị trí.
– Sai lệch cho phép về kích thước, vị trí của giàn giáo xây dựng xong không được vượt quá những trị số cho phép.
Ngoài những phần nêu trên, trong quá trình đổ betong, phải có người thường trực làm nhiệm vụ:
+Kiểm tra giàn giáo chống đỡ xem có bị biến dạng hay không
+ Kiểm tra các hệ thống thanh giằng, gông…
+ Kiểm tra mối quan hệ với các công tác khác có ảnh hưởng tới chất lược ván khuôn ( chất tải trên ván khuôn, va chạm vào ván khuôn)